Lịch sử ra đời Ngành Thông tin và Truyền thông

30/08/2016

Ngày 19 tháng 2 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 28 tháng 8 hàng năm là ngày truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông nhằm phát huy cao độ giá trị truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo và khơi dậy lòng tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Như vậy năm nay là năm đầu tiên chúng ta kỷ niệm ngày truyền thống ngành TT&TT (28/8/1945 – 28/8/2016). Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, ngành TT&TT đã trở thành một trong những tác nhân quan trọng trong quá trình phát triển đấtt nước. Bộ Thông tin và Truyền thông là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực quản lý, gồm: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Thông tin đối ngoại, Thông tin cơ sở... Trước đây vẫn chưa có ngày truyền thống của ngành TT&TT, chỉ  mới có ngày truyền thống riêng của một số ngành trực thuộc như Bưu điện (15/8), Báo chí (21/6), Xuất bản (10/10)... Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 28/8 là ngày truyền thống ngành TT&TT, với sở cứ đây là ngày Bác Hồ ký sắc lệnh đầu tiên năm 1945 thành lập các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin-Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính, bao gồm nội hàm của Bộ TT&TT bây giờ.
Lịch sử ngành TT&TT Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn gắn liền với lịch sử của dân tộc, gắn liền với lịch sử của đất nước. Theo dòng lịch sử, ngành TT&TT trải qua những mốc son:
Về lĩnh vực Thông tin tuyên truyền: Ngày 28/8/1945, Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Bộ Thông tin – Tuyên truyền. Ngày 01/01/1946 Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động. Tháng 8/1954, Thông cáo của Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập Bộ Tuyên truyền.. Ngày 20/9/1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V đã  thông qua việc đổi tên Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa. Ngày 11/10/1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định phê chuẩn thành lập cơ quan Tổng cục Thông tin.  Năm 1977, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa VI phê chuẩn hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin. Năm1981, Quốc hội nước Công hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa VII kỳ họp thứ nhất đã đổi tên thành Bộ Văn hóa. Năm 1987, Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập Bộ Thông tin. Năm 1990, Hội đồng Nhà nước, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thành lập Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao và Du lịch, năm  1991 đổi tên thành Bộ Văn hóa- Thông tin và Thể thao, năm 1992 đổi tên thành Bộ Văn hóa – Thông tin.
Về lĩnh vực Bưu điện: ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông dương ra Nghị quyết thành lập  “Ban giao thông chuyên môn”, từ đó ngày 15/8 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện. Năm 1945, cách mạng tháng tám thành công, ngành Bưu điện phục vụ sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để hoàn thành hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Trong 9 năm kháng chiến Chống Pháp 1945-1954, Bưu điện Việt Nam đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng mạng lưới thông tin liên lạc  giữ vững với ba phương thức thông tin điện thoại, vô tuyến điện, đường thư. Thời kỳ này tồn tại 2 hệ thống: giao thông liên lạc của Đảng và hệ thống Bưu điện.
Từ năm 1954-1975, ngành Bưu điện đã phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ miền Bắc, phục vụ thông tin cho cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và làm nghĩa vụ quốc tế với cách mạng Lào và Camphuchia.
Sau năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành Bưu điện tiếp tục phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là cơ quan thông tin liên lạc của Đảng và chính quyền các cấp, đồng thời là ngành kinh tế kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân. Năm 1992, Chính phủ ra Nghị định 03/CP về việc thành lập Tổng cục Bưu điện là cơ quan trực thuộc Chính phủ, có chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu phát thanh truyền hình và công nghiệp bưu điện. Năm 1994, Tổng Công ty bưu chính viễn thông chuyển thành Tập đoàn kinh doanh của Nhà nước và bắt đầu thực hiện chiến lược tăng tốc, hội nhập và phát triển. Năm 1995 khởi động cạnh tranh với sự thành lập Công ty Cổ phần dịch vụ  BCVT Sài Gòn và Công ty Viễn thông quân đội.
Năm 2002, Bộ Bưu chính, Viễn thông được thành lập, là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia.
Năm 2003, ngành bưu chính, viễn thông thực sự chuyển từ độc quyền công ty sang cạnh tranh tất cả các loại dịch vụ.
Từ tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành TT&TT lại bước sang trang mới, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành TT&TT, thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả  quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.