Với người không sử dụng smartphone, việc đăng ký được thực hiện bằng giấy theo biểu mẫu, và gửi về UBND xã, phường, thị trấn. Sau đó, địa phương sẽ hỗ trợ nhập nội dung vào phần mềm Sổ sức khỏe điện tử. Tại một số tổ dân phố, việc đăng ký còn được thực hiện thông qua điền biểu mẫu trên Google Docs.
Để đăng ký tiêm vaccine qua smartphone, người dùng cần cài ứng dụng, sau đó đăng ký tài khoản bằng cách nhập họ tên, số điện thoại và mật khẩu.
Sau khi đăng ký và đăng nhập thành công, trên ứng dụng sẽ có tính năng Đăng ký tiêm chủng. Tại đây, người dùng cần nhập: địa chỉ, nghề nghiệp và đối tượng (theo mức độ ưu tiên tiêm vaccine), sau đó khai báo y tế, xác nhận đồng ý với các điều khoản về việc tiêm chủng.
Ba bước đăng ký tiêm vaccine Covid-19 trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Sau khi bấm Xác nhận, người dùng sẽ nhận được thông báo đăng ký thành công. Tuy nhiên, đây mới là bước "Thu thập nhu cầu và thông tin để lập danh sách đăng ký tiêm theo từng địa bàn". Khi có kế hoạch cụ thể, người dân sẽ được liên hệ qua số điện thoại. Sau khi tiêm, hệ thống sẽ cập nhật Chứng nhận tiêm chủng dưới dạng QR Code trên ứng dụng để dùng trong trường hợp cần thiết.
Theo UBND TP Hà Nội, việc đăng ký này nhằm giúp thành phố sẵn sàng tiếp nhận vaccine từ Bộ Y tế để chủ động tiêm chủng và phải hoàn thành trước ngày 10/7 tới.
Trước Hà Nội, TP HCM cũng đã triển khai Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài tính năng Đăng ký tiêm, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử còn có Mã số sức khỏe - một QR Code dùng để quét khi đến các cơ sở y tế. Việc này giúp giảm quy trình và thời gian khai báo theo hình thức thủ công trước đây. Thông tin của người dùng sẽ được đồng bộ trên hệ thống của Bộ Y tế, tránh việc nhập liệu sai và giúp quản lý công tác tiêm chủng chặt chẽ hơn.
Nguồn VNExpress