Ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước giúp cho công tác cải cách hành chính tốt hơn.
14/03/2018
CNTT và truyền thông (ICT) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của con người, làm cho thói quen làm việc, giải trí hay ngay cả các hình thức kinh doanh cũng thay đổi theo.
Chính phủ trong thời đại hiện nay cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của ICT, các ứng dụng ICT hứa hẹn việc trao đổi thông tin trong hoạt động các cơ quan nhà nước cũng như cung cấp các dịch vụ và dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp sẽ trở nên tốt hơn, hiệu quả hơn, từng bước nâng cao tính minh bạch và bình đẳng. Việc ứng dụng ICT gắn với cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước đã nhận được sự quan tâm đặt biệt của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của doanh nghiệp và nhân dân.
Trong thời gian qua Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về ứng dụng CNTT: Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu thực hiện cải cách hành chính và xem đây là công cụ cốt lõi để xây dựng Chính quyền điện tử tại Ninh Thuận đồng thời Chính quyền điện tử làm cho cải cách hành chính hiệu quả nhất.
Bài học thực tiễn liên quan đến các nhân tố đảm bảo hiệu quả ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước:
- Phát triển niềm tin vào các cơ quan nhà nước: Một bài học lớn nhất trong tiến trình lấy được lòng tin của người dân là sự cam kết quyết tâm của cấp lãnh đạo. Các lãnh đạo luôn phải cố gắng thực hiện những cam kết của mình với công dân. Điều này rất quan trọng, bởi khi bạn đã mất lòng tin một lần thì sẽ mất rất lâu để xây dựng lại nó.
- Phát triển niềm tin về CNTT: Việc xây dựng niềm tin vào CNTT nới là điều kiện đủ nhằm xây dựng thành công Chính quyền điện tử. Công dân phải thấy được những lợi ích khi áp dụng những công nghệ mới vào trong cuộc sống của họ.
- Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ công điện tử: Xây dựng một Cổng thông tin điện tử dùng chung cho tất cả các dịch vụ công. Điều này giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và thực hiện các dịch vụ nhanh chóng. Các cơ quan hành chính cũng thuận lợi trong vấn đề ban hành chính sách hay thông báo qua cổng thông tin này.
- Điểm quan trọng quyết định thành công trong việc ứng dụng CNTT trong các đơn vị hiện nay đó là vai trò người lãnh đạo, người lãnh đạo cần đi đầu làm gương trong việc ứng dụng CNTT.
- Xây dựng hạ tầng CNTT đồng điều giữa các vùng miền. CNTT có thể là bàn đạp giúp cho các địa phương thoát khỏi lạc hậu và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
- Thiết lập các ứng dụng đơn giản và thân thiện với người dân: CNTT và TT càng phát triển, mức độ phức tạp ngày càng gia tăng, con người ngày càng đạt được nhiều thành tựu mới. Tuy nhiên, những cổ máy quá phức tạp, không thân thiện với con người sẽ là rào cản cho việc triển khai các ứng dụng vào trong cuộc sống. Giao diện càng thân thiện càng dễ sử dụng và dễ phổ biến đối với tất cả mọi người và được chấp nhận nhanh chóng. Trong chính phủ điện tử cũng vậy, bất cứ dự án nào dù đột phá tới đâu nhưng khó tiếp cận đối với người dân sẽ đều đi đến những thất bại.
- Tận dụng những phương tiện truyền thông cơ bản và thân thiện với người dân như tivi, radio, truyền thanh không dây và điện thoại di động. Hầu hết mọi người đều tiếp cận và sử dụng chúng như một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống. Thông qua những phương tiện cơ bản này, mọi gia đình và cá nhân đều có khả năng tiếp cận thông tin về các dịch vụ công của các cơ quan nhà nước.
Những thách thức trong triển khai ứng dụng CNTT
- Ngân sách đầu tư tại địa phương: Ngân sách tại địa phương dành cho triển khai CPĐT đến chủ yếu từ ngân sách nhà nước, hoàn toàn thiếu sự chủ động của các địa phương, các sở ban ngành trong việc tạo lập ngân sách dành riêng cho ứng dụng CNTT tại đơn vị.
- Đồng bộ hóa hạ tầng CNTT: để có thể phát triển được các dịch vụ thông tin và TT mọi nơi, mọi lúc, việc phát triển mạng lưới, hạ tầng CNTT và TT trong toàn tỉnh và kết nối băng thông rộng cố định và di động tới mọi người dân được xác định cần đi trước một bước. Hạ tầng CNTT kém phát triển là một trong những nguyên nhân tạo ra sự kém cạnh tranh của hầu hết các ngành kinh tế.
- Trình độ ứng dụng CNTT: Tỷ lệ cán bộ công chức có thể sử dụng máy tính tương đối cao khoảng 80%. Tuy nhiên, số lượng và trình độ cán bộ chuyên trách về CNTT còn hạn chế, đặc biệt tại các huyện thành phố và các sở ban ngành, nhiều cán bộ đang làm việc theo hình thức kiêm nhiệm, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai công tác ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị. Trình độ tin học trong nhân dân còn thấp, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Những giải pháp triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
- Kết nối hoạt động giữa ban CCHC và BCĐ CNTT của tỉnh: hiện nay hai ban chỉ đạo này hiện nay hoạt động khá độc lập, mặt dù CNTT là phương tiện để CCHC. Mặt khác, phát triển CNTT và một nền hành chính công hiệu quả sẽ là điều kiện và động lực mạnh mẽ để phát triển Chính phủ điện tử. Chính vì vậy để đẩy mạnh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử toàn diện, hiệu quả hơn thì ban chỉ đạo CCHC và ban chỉ đạo CNTT nên có nhiều hành động chung, cùng nhau đưa ra những chương trình hành động, hỗ trợ nhau hài hòa và đồng bộ hơn.
- Ứng dụng CNTT phải đi đôi với cải cách hành chính, quá trình cải cách hành chính đặt ra các yêu cầu, đòi hỏi ứng dụng CNTT phải giải quyết, vì vậy thủ tục hành chính phải ổn định thì ứng dụng CNTT mới đạt hiệu quả tốt. Cần xây dựng Kế hoạch phát động thi đua ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính, nhằm khuyến khích động viên các ngành, các cấp tích cực ứng dụng CNTT vào công tác quản lý, để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
- Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công: Cơ quan chức năng cần thực hiện phân bổ ngân sách cho CNTT - có thể "nằm" trong phần ngân sách thường xuyên, hoặc ngân sách đầu tư ban đầu cho CNTT. Song phải duy trì mức quy định để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng, các dịch vụ thuê CNTT.
- Cần đồng bộ trong việc triển khai ứng dụng CNTT tại địa phương: Sự đồng thuận giữa các sở, ban, ngành trong việc thực hiện các quy trình hành chính điện tử sẽ đảm bảo tính pháp lý và là nền tảng cho việc xây dựng các ứng dụng của Chính quyền điện tử tại địa phương. Việc các sở, ban, ngành cùng triển khai các ứng dụng CNTT nhưng thiếu một quy hoạch chung sẽ dẫn đến việc phát triển vì lợi ích cục bộ và lãng phí.
- Truyền thông xã hội về Chính quyền điện tử: Việc triền khai một chiều từ trên xuống sẽ không đem lại thành công, mà cần phải có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp đây là đối tượng chính của Chính quyền điện tử. Các vấn đề về khoảng cách trình độ gíao dục, thông tin, khoảng cách về địa lý là nguyên nhân gây ra cho người dân và doanh nghiệp rất mù mờ về Chính quyền điện tử. Nếu không hiểu rõ thì chắc chắn họ sẽ không thấy được những lợi ích mật thiết liên quan và việc ứng dụng Chính quyền điện tử cực kỳ hạn chế./.
BT