Thí điểm ứng dụng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa

12/01/2022

Phần mềm (APPS) là công nghệ đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nhằm tăng cường quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa nói riêng và và cây trồng tại Việt Nam nói chung.

1.jpg
Hội nghị triển khai thực hiện thí điểm phần mềm (APPS) nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa tại An Giang bằng điện thoại di động thông minh. Ảnh: Công Mạo/TTXVN
Ngày 11/1, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang triển khai thí điểm phần mềm (APPS) nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa bằng điện thoại di động thông minh.
Đây là công nghệ đầu tiên được triển khai ở Việt Nam nhằm tăng cường quản lý dịch hại và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa nói riêng và cây trồng tại Việt Nam nói chung.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nông nghiệp nhanh, phát triển bền vững, góp phần tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Qua gần 6 tháng triển khai, kể từ hội nghị trực tuyến chuyển đổi số trong nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cùng các đơn vị, doanh nghiệp liên quan xây dựng thành công phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa bằng điện thoại thông minh (điện thoại có kết nối internet).
Phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa được thực hiện đồng loạt bao gồm xây dựng ứng dụng (Apps) nhận diện sinh vật gây hại trên điện thoại bằng công nghệ AI (trí thông minh nhân tạo) kết hợp với hệ thống chuyên gia tương tác trực tuyến với người sử dụng.
Đây là những công cụ hỗ trợ người nông dân trong việc nhận diện, chuẩn đoán các vấn đề liên quan tới sinh vật gây hại trên cây lúa.
Phần mềm nhận diện sinh vật gây hại trên cây lúa được xây dựng với sự tư vấn chuyên sâu của các bên liên quan; trong đó có cả nông dân nhằm đảm bảo thiết kế nội dung và giao diện đơn giản, hiệu quả và thuận tiện cho người sử dụng. Đến nay, phần mềm đã được hoàn thiện và bước đầu được triển khai thí điểm đầu tiên trên địa bàn An Giang, sau đó sẽ hoàn thiện và nhân rộng ra cả nước - ông Đạt khẳng định.
Khi sử dụng, phần mềm này dễ dàng tải từ kho dữ liệu trên trên nền tảng di động Android hoặc IOS. Ứng dụng sẽ cung cấp cho nông dân chức năng tự động nhận diện loài sinh vật gây hại qua ảnh chụp và có thể tra cứu thông tin về sinh vật gây hại gồm hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ; văn bản, tài liệu bảo vệ thực vật; quy trình phòng, chống sinh vật gây hại do Cục Bảo vệ thực vật ban hành; thông tin cảnh báo, khuyến cáo về sinh vật gây hại; trang thư viện sinh vật gây hại cung cấp thông tin hình ảnh, đặc điểm hình thái, sinh học và biện pháp phòng trừ 112 loài sinh vật gây hại trên cây lúa; trang tin tức để nông dân có thể xem các tin tức về nông nghiệp, nông sản, tin bảo vệ thực vật trên ứng dụng từ điện thoại thông minh có kết nối internet.
Ứng dụng còn có chức năng cho người dùng tự nhập phản ánh về các lỗi ứng dụng, vướng mắc để làm cơ sở hoàn thiện phần mềm. Người nông dân khi gặp khó khăn cần hỗ trợ hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin có thể tự đặt câu hỏi trên công cụ trợ lý ảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý ngôn ngữ được tích hợp trong ứng dụng để sẵn sàng hỗ trợ 24/7, mọi lúc mọi nơi.
Theo ông Đạt, sau quá trình thí điểm tại An Giang, Cục Bảo vệ thực vật và đơn vị liên quan sẽ thu thập phản hồi từ nông dân để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tính năng của ứng dụng trong phiên bản tiếp theo, nhằm tăng độ chính xác của AI (trí thông minh nhân tạo) trong việc nhận diện với các loài sinh vật gây hại trên cây lúa nói riêng, cây trồng nói chung.
Đặc biệt, có thể đánh giá tính khả thi, khả năng đáp ứng một cách thiết thực nhu cầu của người nông dân trong việc nhận biết và phòng trừ các loài sinh vật gây hại trên cây lúa và đánh giá khả năng vận hành của hệ thống trong điều kiện thực tế, từ đó nhân rộng ra khắp cả nước và trên tất cả cây trồng khác của Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ cho rằng triển khai thí điểm ứng dụng nhận diện sinh vật gây hại lúa sẽ đem đến một giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh đối với cây lúa nói riêng, hướng tới tích hợp nhiều giải pháp thông minh hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.
Điều này giúp nông dân chủ động tham gia và vào “cuộc cách mạng” chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; mang lại cho nông dân quy trình canh tác nông nghiệp thông minh, chính xác với một chi phí sản xuất phù hợp, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất trong bối cảnh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ngày càng tăng; đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới một nền nông nghiệp “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”.
Công Mạo (TTXVN/Vietnam+)