Quy định về tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin thay thế chứng chỉ Tin học A, B, C

02/08/2017

Ngày 21/6/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT quy định tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và có hiệu lực thi hành từ ngày 10/8/2016

Nội dung thông tư quy định dừng việc đào tạo, thi và cấp chứng chỉ Tin học A, B, C (theo Quyết định số 21/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 03 tháng 7 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Tin học ứng dụng A, B, C) sau ngày 10/8/2016, thay vào đó sẽ triển khai đào tạo, thi và cấp chứng chỉ chuẩn sử dụng CNTT theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014. Đối với các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đang triển khai trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực vẫn được tiếp tục thực hiện, cấp chứng chỉ cho đến khi kết thúc. Các chứng chỉ tin học ứng dụng A, B, C đã cấp có giá trị sử dụng tương đương với chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản.
Những nội dung chính quy định trong Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT:
   Thông tư liên tịch quy định một số nhóm nội dung chủ yếu sau:
     Thứ nhất, Thông tư liên tịch quy định các yêu cầu về nhân sự, yêu cầu về cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống CNTT của các trung tâm sát hạch đảm bảo cho việc tổ chức thi an toàn, thông suốt. Cụ thể:
     - Về cơ sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm sát hạch, Thông tư liên tịch quy định rõ phải có phòng thi và các phòng chức năng đủ để tổ chức cả 2 phần thi trắc nghiệm và thực hành cho 20-30 thí sinh/đợt thi trở lên; đảm bảo phòng thi đủ ánh sáng, có đầy đủ các trang thiết bị cơ bản như bàn, ghế, phấn hoặc bút dạ, bảng hoặc màn chiếu, có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài, có máy in được kết nối với máy tính; đảm bảo phải có thiết bị kiểm tra an ninh như cổng từ hoặc thiết bị cầm tay, nhằm kiểm soát được việc thí sinh mang vật dụng vào phòng thi; Có phòng làm việc của Hội đồng thi, có hòm, tủ hay két sắt, khoá chắc chắn để bảo quản hồ sơ thi. Phải có hệ thống CNTT đảm bảo cho việc tổ chức thi trên máy tính phải đáp ứng các yêu cầu: Mạng máy tính nội bộ (LAN) gồm máy chủ, máy trạm có cấu hình cao được cài đặt hệ điều hành và phần mềm thi hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu thi; có thiết bị bảo mật hợp nhất cho hệ thống, thiết bị cân bằng tải đường truyền, thiết bị lưu trữ sao lưu dữ liệu, bộ lưu điện và nguồn điện dự phòng; tốc độ kết nối mạng nội bộ, kết nối Internet đảm bảo hoạt động thi trên máy; Số lượng máy tính phải đảm bảo mỗi thí sinh một máy riêng biệt và số lượng máy tính dự phòng phải đạt tối thiểu 10% trên tổng số thí sinh dự thi; Có máy camera giám sát trực tuyến đảm bảo bao quát và ghi được toàn bộ diễn biến của cả phòng thi liên tục trong suốt thời gian thi; lưu trữ hình ảnh thi vào cơ sở dữ liệu của trung tâm. Khu vực thi phải đảm bảo các yêu cầu bảo mật, an toàn và phòng chống cháy nổ; có nơi bảo quản đồ đạc của thí sinh.
     - Về nhân sự: Thông tư liên tịch cũng quy định rõ các yêu cầu đối với cán bộ tham gia Hội đồng thi, coi thi, cán bộ kỹ thuật. Cụ thể: cơ cấu nhân sự quản lý phải đảm bảo có giám đốc và ít nhất một phó giám đốc có năng lực quản lý, chỉ đạo và có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Đối với cán bộ ra đề thi phải đảm bảo có ít nhất 10 cán bộ ra đề thi và giám khảo có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT trở lên, có kinh nghiệm trong công tác ra đề và chấm thi. Ngoài ra các trung tâm sát hạch này còn phải có đội ngũ giám thị, kỹ thuật viên đáp ứng yêu cầu sử dụng các thiết bị CNTT, âm thanh, hình ảnh phục vụ cho việc tổ chức thi và chấm thi. Việc thành lập Hội đồng thi; Nhiệm vụ của các thành viên, các ban trong Hội đồng; Công tác bố trí phòng thi, quy trình coi thi, chấm thi cũng được quy định rõ tại điều 10, 11, 12, 14, 15 của Thông tư liên tịch này.
   Thứ hai, Thông tư liên tịch quy định về định dạng đề thi gồm bài thi trắc nghiệm và thực hành, quy định các yêu cầu về nguyên tắc chung về việc xây dựng, quản lý, vận hành ngân hàng câu hỏi chung quốc gia và phần mềm Quản lý thi quốc gia dùng chung. Cụ thể:
     - Về Phần mềm thi trắc nghiệm và Ngân hàng câu hỏi:
          + Phần mềm thi trắc nghiệm phải có giao diện thân thiện, dễ cài đặt, sử dụng; có khả năng ngắt kết nối với các ứng dụng và thiết bị bên ngoài không liên quan đến nội dung thi. Cho phép thí sinh tự đăng nhập vào phần mềm để làm bài thi bằng mã dự thi cá nhân. Có phân hệ quản lý ngân hàng câu hỏi để cập nhật, bổ sung. Có thuật toán chọn ngẫu nhiên, đồng đều các câu hỏi ở các phần kiến thức khác nhau để tạo ra đề thi trắc nghiệm từ ngân hàng câu hỏi thi. Có các chức năng phụ trợ như đồng hồ đếm ngược, xem trước câu hỏi tiếp theo, thống kê câu hỏi đã trả lời, tự động đăng xuất và lưu trữ bài làm của thí sinh khi hết thời gian làm bài. Tự động chấm điểm bài thi trắc nghiệm, lưu trữ và thông báo kết quả trên màn hình hoặc in ra giấy ngay sau khi hết giờ làm bài thi hoặc khi thí sinh bấm nút “kết thúc”.
          + Ngân hàng câu hỏi chia thành 02 cấp độ cho kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và nâng cao: đối với kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản, ngân hàng câu hỏi phải có số lượng tối thiểu 700 câu hỏi thi và có đủ đại diện các nhóm kỹ năng của cả 06 mô đun quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT, bao gồm: Hiểu biết về CNTT cơ bản (Mã IU01); Sử dụng máy tính cơ bản (Mã IU02); Xử lý văn bản cơ bản (Mã IU03); Sử dụng bảng tính cơ bản (Mã IU04); Sử dụng trình chiếu cơ bản (Mã IU05); Sử dụng Internet cơ bản (Mã IU06). Đối với kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao, ngân hàng câu hỏi phải có số lượng tối thiểu 150 câu hỏi thi cho mỗi mô đun nâng cao và phải có đủ đại diện các nhóm kỹ năng của mỗi mô đun nâng cao quy định tại Phụ lục số 02 của Thông tư 03/2014/TT-BTTTT, bao gồm: Xử lý văn bản nâng cao (Mã IU07); Sử dụng bảng tính nâng cao (Mã IU08); Sử dụng trình chiếu nâng cao (Mã IU09); Sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu (Mã IU10); Thiết kế đồ họa hai chiều (Mã IU11); Biên tập ảnh (Mã IU12); Biên tập trang thông tin điện tử (Mã IU13); An toàn, bảo mật thông tin (Mã IU14); Sử dụng phần mềm kế hoạch dự án (Mã IU15).
          Ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm và phần mềm thi trắc nghiệm của trung tâm sát hạch phải được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định do cơ quan quản lý trực tiếp thành lập. Hội đồng thẩm định phải có đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo và đại diện của Sở Thông tin và Truyền thông.
          + Đối với đề thi ứng dụng CNTT, đề thi gồm 02 bài thi trắc nghiệm và thực hành, và đều được thi trên hệ thống máy tính có nối mạng LAN. Bài thi trắc nghiệm do phần mềm tạo ra từ ngân hàng câu hỏi thi, được chấm tự động; Bài thi thực hành do Ban Đề thi xây dựng dưới dạng tệp (file); kết quả bài thi thực hành do Ban Chấm thi chấm và được lưu vào các tệp trên máy chủ của mạng LAN.
     - Về ngân hàng câu hỏi chung quốc gia và phần mềm Quản lý thi quốc gia dùng chung: Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng, quản lý và vận hành ngân hàng câu hỏi thi quốc gia và phần mềm quản lý thi quốc gia. Ngân hàng câu hỏi thi quốc gia và phần mềm quản lý thi quốc gia được thẩm định và thông qua bởi Hội đồng thẩm định liên Bộ do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập.
   Thứ ba, Thông tư liên tịch quy định về trình tự tổ chức thi (các công tác thực hiện trước, trong và sau kỳ thi) như thành lập hội đồng thi (Điều 10, 11), đối tượng dự thi và điều kiện dự thi (Điều 9), lập danh sách thí sinh và bố trí phòng thi (Điều 12), trách nhiệm của thí sinh (Điều 13), quy trình coi thi (Điều 14), chấm thi (Điều 15), lưu trữ hồ sơ (Điều 19), kèm theo các quy chế thi, xử lý vi phạm khi vi phạm quy chế thi.
   Thứ tư, quy định về các loại chứng chỉ, in cấp phôi chứng chỉ, cụ thể:
   Thông tư quy định rõ Chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản được cấp cho cá nhân đạt yêu cầu của bài thi theo Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản (gồm đủ 6 mô đun cơ bản) quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT. Chứng chỉ ứng dụng CNTT nâng cao được cấp cho cá nhân có chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản, đồng thời đạt yêu cầu của các bài thi tương ứng với 03 mô đun trong số các mô đun của Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao quy định tại Thông tư 03/2014/TT-BTTTT.
Mẫu phôi chứng chỉ và việc quản lý phôi chứng chỉ ứng dụng CNTT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thủ trưởng các trung tâm sát hạch nơi thí sinh dự thi có thẩm quyền cấp và thu hồi chứng chỉ cho các thí sinh đủ điều kiện theo danh sách đã được phê duyệt. Việc quản lý, cấp phát và thu hồi chứng chỉ theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
   Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT, trong đó trách nhiệm của Sở Thông tin và Truyền thông cử đại diện tham gia Hội đồng thẩm định ngân hàng câu hỏi thi và phần mềm thi trắc nghiệm của trung tâm sát hạch do cơ quan quản lý trực tiếp thành lập theo quy định tại Thông tư liên tịch này; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT của các trung tâm sát hạch theo thẩm quyền.