Ngày truyền thống ngành Thông tin & Truyền thông

30/08/2016

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần có một Ngày truyền thống của cả ngành TT&TT, vừa thể hiện được tính đặc trưng của một ngành đa lĩnh vực, vừa mang bản sắc riêng. Mới đây, có đề xuất lấy ngày 28/8 làm Ngày truyền thống của ngành TT&TT. Song vẫn còn một số ý kiến băn khoăn về dấu mốc này.

Nên có Ngày truyền thống chung của cả ngành TT&TT
Bộ TT&TT là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực quản lý, gồm: Báo chí, Xuất bản, Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, Thông tin đối ngoại, Thông tin cơ sở... Nhưng hiện vẫn chưa có Ngày truyền thống của cả ngành TT&TT, mới có Ngày truyền thống riêng của một số ngành trực thuộc như Bưu điện, Báo chí, Xuất bản ...
Ngành TT&TT quản lý đa lĩnh vực nhưng mới có ngày truyền thống của ngành Bưu điện, Báo chí, Xuất bản.
Tiền thân của Bộ TT&TT ngày nay là các cơ quan mang đậm chất Bưu điện như: Nha Bưu điện (1945), Nha Bưu điện -Vô tuyến điện (1951), Tổng cục Bưu điện (1968), Tổng cục Bưu điện thuộc Bộ Giao thông vận tải (1990), Tổng cục Bưu điện (1992), Bộ Bưu chính -Viễn thông (2002). Và đến tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính -Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa - Thông tin.
Việc thành lập Bộ TT&TT thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển, hội tụ giữa công nghiệp nội dung với hạ tầng truyền thông của thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT: “Trước đây, đã có ngày 15/8 là Ngày truyền thống của ngành Bưu điện, ngày 21/6 là Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ngày 10/10 là Ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In và Phát hành sách...  Nhưng khi đã có sự sát nhập, tách phần TT-TT từ Bộ Văn hóa -Thông tin sang Bộ TT&TT thì đặt ra vấn đề là phải tìm được một Ngày truyền thống của cả ngành đa ngành nghề này. Việc tìm ra một Ngày truyền thống phù hợp cho cả ngành TT&TT là rất cần thiết”.
Tìm hiểu thì biết, Ngày truyền thống ngành Bưu điện (15/8) được xác định trên cơ sở sự kiện ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc. Nghị quyết nêu rõ: “Lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ”.
Còn Ngày truyền thống ngành Xuất bản – In và Phát hành được xác lập trên cơ sở sự kiện ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà In quốc gia với nhiệm vụ thống nhất tổ chức và quản lý nhà in Chính phủ; điều chỉnh và đảm bảo việc in sách báo, tài liệu của chính phủ và các đoàn thể nhân dân; phổ biến lưu thông sách báo tài liệu trong nhân dân, giúp đỡ và hướng dẫn việc in và phát hành sách của các nhà xuất bản... Sắc lệnh 122/SL đánh dấu bước phát triển mới của ngành Xuất bản - In và Phát hành sách cách mạng nước ta, thành lập cơ quan quản lý 3 khâu xuất bản - in - phát hành sách.
Đề xuất 28/8
Ý tưởng tìm ra một Ngày truyền thống của ngành TT&TT đã được các lãnh đạo Bộ TT&TT, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son rất quan tâm.
Đã có hẳn một đề án về việc đi tìm Ngày truyền thống ngành TT&TT được phê duyệt triển khai. Đề án này đầu tiên được giao cho Vụ Tổ chức cán bộ thực hiện. Sau khi Vụ Tổ chức cán bộ chia tách, công việc được giao cho Vụ Thi đua khen thưởng tiếp tục tiến hành.
Từ tháng 9/2014, Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã quyết định thành lập Ban Lịch sử -Truyền thống của Bộ và nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ chính của Ban là nghiên cứu, đề xuất một ngày kỷ niệm chung của tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành TT&TT như báo chí, xuất bản, bưu chính, viễn thông, CNTT...
Mới đây, Ban đã trình lên lãnh đạo Bộ đề xuất lấy ngày 28/8 là Ngày truyền thống ngành TT&TT, với sở cứ đây là ngày Bác Hồ ký sắc lệnh đầu tiên năm 1945 thành lập các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Thông tin Tuyên truyền và Bộ Giao thông công chính, bao gồm nội hàm của Bộ TT&TT bây giờ.
Theo tìm hiểu của Báo Bưu điện Việt Nam, ngược dòng lịch sử, đã có một số dấu mốc quan trọng liên quan tới sự hình thành ngành Thông tin Tuyên truyền. Cụ thể, ngày 28/8/1945, Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có Bộ Thông tin-Tuyên truyền (Việt Nam Dân quốc Công báo số l ngày 29/9/1945).
Ngày l/l/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động (Việt Nam Dân Quốc Công báo số l ngày 5/l/1946).
Ngày 13/5/1946, Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ấn định hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền trong cả nước có Nha Tổng giám đốc Thông tin, Tuyên truyền, dưới quyền chỉ huy và kiểm soát trực tiếp của Bộ Nội vụ (Việt Nam Dân quốc Công báo ngày 25/5/1946).
Ngày 27/11/1946, Sắc lệnh số 224/SL của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đổi thành Nha Thông tin (Tổng mục lục luật lệ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 - 1961, trang 152).
Ngày 22/2/1947, Nghị định số 265 NgÐ của Bộ Nội vụ, quy định về tổ chức Nha Thông tin (Việt Nam Dân quốc Công báo số 8 năm 1947, trang 50).
Với những căn cứ như trên, việc chọn ngày 28/8 là Ngày truyền thống ngành TT&TT là có sở cứ thuyết phục nhất.
Một số gợi ý khác
Việc đi tìm Ngày truyền thống ngành TT&TT đã và đang được tích cực triển khai trên cơ sở tham khảo ý kiến các lãnh đạo và các đơn vị trong Bộ, trong ngành.
Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam về việc có nên chọn ngày 28/8 làm Ngày truyền thống ngành TT&TT hay không, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet, nguyên là Giám đốc Công ty Điện toán & Truyền số liệu VDC, công ty từng là “át chủ bài” của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT, chia sẻ: “Với góc nhìn của một người cũ trong ngành Bưu điện, tôi thấy nên cân nhắc việc có thêm Ngày truyền thống ngành TT&TT để tránh chuyện một năm tổ chức khá nhiều ngày kỷ niệm. Việc tìm được Ngày truyền thống ngành TT&TT đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra như vừa phải đảm bảo có ý nghĩa lịch sử vừa thể hiện bản sắc riêng của ngành là điều không hề đơn giản. Ngay cả đề xuất lấy ngày 28/8 thì cũng có vẻ chưa ổn vì chưa thể hiện rõ sự đặc sắc riêng biệt” .
Được biết, 28/8/1945  là ngày Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo ra tuyên cáo trước quốc dân đồng bào cũng như toàn thế giới về việc thành lập Chính phủ nước Việt Nam mới và công bố danh sách nội các thống nhất quốc gia gồm các Bộ, ngành để đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử trước dân tộc. Trong số trên 10 Bộ, ngành được thành lập ngày 28/8/1945, có ngành Công tác văn phòng hành chính, ngành Tổ chức Nhà nước và các Bộ Thông tin - Tuyên truyền, Lao động, Tài chính, Tư pháp... Và kể từ đó tới nay, ngày 28/8 trở thành ngày truyền thống chung của các Bộ, ngành vừa nêu.
Ông Vũ Hoàng Liên đã đề xuất “nên tìm hiểu xem giai đoạn 1945 – 1946, có văn bản hoặc quyết định nào khác về việc thành lập một bộ phận chuyên trách thông tin của Đảng thì nên lấy ngày thành lập bộ phận đó làm Ngày truyền thống của ngành TT&TT. Như vậy thì ý nghĩa bản sắc riêng của ngành sẽ rõ nét hơn”.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cũng gợi ý: “Tôi có nhớ ngày trước có nghe nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp nói rằng từng có một ngày, tại tầng 2 của Tòa nhà 18 Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh có ký quyết định thành lập một đơn vị nào đó liên quan đến lĩnh vực thông tin. Và hôm khai trương tòa nhà Bộ TT&TT, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng đã nhắc tới sự kiện này. Bộ phận nghiên cứu về Ngày truyền thống ngành TT&TT nên tìm hiểu kỹ hơn xem ngày Bác Hồ ký quyết định như tôi vừa nêu là ngày nào và chọn ngày này làm Ngày truyền thống của ngành. Bởi ngày này có ý nghĩa là ngày ký quyết định thành lập đơn vị về thông tin, và lại ngay tại trụ sở Bộ TT&TT bây giờ”
Theo nguồn ictnew.vn