Gia Lai tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn trong năm 2022

11/02/2022

Sáng 11-2, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức họp để nghe Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch báo cáo kế hoạch tổ chức các ngày lễ, sự kiện lớn của tỉnh trong năm 2022. Dự họp có lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì cuộc họp. 

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung đã báo cáo kế hoạch, thời gian, địa điểm tổ chức các ngày lễ, sự kiện văn hóa, thể thao lớn của tỉnh như: Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022). Các hoạt động bên lề sự kiện gồm có triển lãm ảnh “Gia Lai 90 năm xây dựng và phát triển” tại đường Anh Hùng Núp (khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku); tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu 90 năm hình thành và phát triển tỉnh Gia Lai”; lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá, cùng với đó là các hoạt động trưng bày tranh ảnh về văn hóa vùng đất Tây Sơn Thượng đạo, quá trình xây dựng và phát triển thị xã An Khê, hình ảnh khảo cổ và cây cảnh nghệ thuật; tham quan giới thiệu 2 di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt…
Sau 2 năm tạm hoãn tổ chức do ảnh hưởng của dịch bệnh, Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai lần thứ 2-năm 2022 dự kiến sẽ được tổ chức trong 3 ngày (từ 18 đến 20-11) tại TP. Pleiku và khu vực lân cận. Chương trình khai mạc và bế mạc sẽ diễn ra tại Quảng trường Đại Đoàn Kết. Cùng với kế hoạch tổ chức các sự kiện, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cũng xây dựng các phương án tổ chức theo từng cấp độ dịch. 
1.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Hoàng Ngọc
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đề nghị cần xây dựng kế hoạch tổ chức các nội dung trên thành một chuỗi sự kiện trong tháng 5 gắn với kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh được tổ chức cùng với lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo và di tích khảo cổ quốc gia Rộc Tưng-Gò Đá; hội nghị xúc tiến nông nghiệp 4 tỉnh trong khu vực Tây Nguyên nên cần lựa chọn tên gọi chung để làm nổi bật mục đích, ý nghĩa, tầm vóc của chuỗi sự kiện. Tại lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh, tỉnh sẽ công bố xếp hạng các di tích quốc gia và quốc gia đặc biệt, Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. 
Chuỗi sự kiện dự kiến tổ chức từ ngày 20 đến 25-5, trong đó các hoạt động bên lề được tổ chức vào ngày cuối tuần để phục vụ du khách và khách mời về dự lễ trong dịp này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương có di tích được công nhận nói riêng và địa phương trong tỉnh cần xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa, đón khách du lịch để chuỗi sự kiện diễn ra thành công.
Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng cần tổ chức trên tất cả kênh thông tin để người dân được biết, nhất là thu hút các nhà đầu tư quan tâm vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… Cần tổ chức họp báo sớm công bố thời gian, địa điểm tổ chức các sự kiện để đơn vị lữ hành chủ động trong việc tổ chức các tour tuyến, đưa đón du khách bởi đây là cơ hội quảng bá hình ảnh đất và người Gia Lai cùng các di sản văn hóa, thiên nhiên độc đáo đã được thế giới công nhận. 
Tại cuộc họp, 2 đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai” và “Phát triển thể thao thành tích cao giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được các đại biểu góp ý bổ sung, hoàn thiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch nhấn mạnh, cần huy động nhiều nguồn lực để triển khai hiệu quả các đề án, đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phải phối hợp thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên cơ sở tôn trọng bản sắc văn hóa. Phát triển thể thao thành tích cao cần đi đôi với đăng cai tổ chức các sự kiện để góp phần phát triển kinh tế thể thao, qua các sự kiện này gắn với quảng bá, phát triển du lịch.
 Nguồn BaoGiaLai