Dựa vào doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp để trở thành nước phát triển

01/06/2021

(Mic.gov.vn) - Cổng TTĐT Bộ TT&TT xin trân trọng chuyển đến độc giả bài viết của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về việc doanh nghiệp sau khi thành công trong thương mại thì chuyển sang lĩnh vực công nghệ.

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 - sau 100 năm tuyên bố độc lập, thì phải dựa vào công nghệ, công nghiệp, phải dựa vào các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và Make In Vietnam là để giải bài toán phát triển công nghệ và công nghiệp Việt Nam. Tháng 5/2019, CP đã tổ chức diễn dàn và truyền đi thông điệp này. Thủ tướng Chính phủ sẽ ra chỉ thị về phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và Make In Vietnam.

1.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

 

Các doanh nghiệp thương mại và dịch vụ lớn, khi đã có tiềm lực về tài chính, thị trường, quản trị và nhân lực thì phải nhận lấy sứ mệnh công nghệ và công nghiệp của đất nước. VinGroup là một trong những doanh nghiệp thương mại dịch vụ đầu tiên tuyên bố chiến lược mới trở thành tập đoàn công nghệ - công nghiệp - và thương mại dịch vụ. Chính phủ ủng hộ, khuyến khích và kêu gọi nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam đi theo hướng này.

Việc VinGroup đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô thực sự là một thách thức lớn, rất lớn, xuất phát từ một khát vọng lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước của một doanh nhân, một doanh nghiệp. Nhưng chỉ có những thách thức lớn mới tạo nên những doanh nhân và doanh nghiệp lớn.

Thị trường Việt Nam là cái nôi cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhưng để lớn lên và cạnh tranh được thì phải đi ra toàn cầu. Cạnh tranh toàn cầu là phép thử tốt nhất đối với các doanh nghiệp công nghệ và công nghiệp. VinFast phải cạnh tranh toàn cầu, đây là yêu cầu mà Chính phủ đặt ra cho VinFast. Nhưng người dân Việt Nam chúng ta cũng phải ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tất nhiên là chất lượng phải tốt và giá cả phù hợp, đó là thể hiện của tinh thần yêu nước, giúp cho Việt Nam vươn cao, vươn xa.

Make In Vietnam là làm chủ thiết kế, làm chủ công nghệ cốt lõi, làm chủ tích hợp thành sản phẩm thương mại. Nếu không làm chủ những công đoạn quan trọng này, thì chỉ đơn giản là công ty lắp ráp. VinFast có thể đi từ lắp ráp nhưng phải là doanh nghiêp công nghệ Việt Nam với khả năng Make In Vietnam. Với chiếc ô tô Việt Nam, là niềm tự hào của công nghiệp Việt Nam. Chúng ta hãy đặt niềm tin vào VinFast, nhưng cũng khắt khe hơn trong đánh giá VinFast, kể cả cơ quan quản lý và khách hàng Việt Nam, vì đó là cách tốt nhất để VinFast trưởng thành.

VinFast có một lợi thế là đi sau thì có thể đi trước, tức là đi thẳng vào ô tô điện, tức là đầu tư nhà máy với công nghệ mới nhất, tự động hoá cao nhất và thông minh nhất. Lợi thế khác của VinFast là tập hợp nhân tài toàn cầu. Việt Nam muốn phát triển trong kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo thì phải là nơi hội tụ của nhân tài toàn cầu. Nhưng lợi thế lớn nhất của Vinfast, của VinGroup là được lãnh đạo bởi một doanh nhân có tài và có khát vọng dân tộc, lại là người thuộc thế hệ F1 của doanh nghiệp trong khi các đối thủ toàn cầu thì đa phần đã là F rất xa rồi.

Với sự khai trương nhà máy ô tô VinFast, chúng ta muốn truyền đi một thông điệp kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, hãy đầu tư phát triển công nghệ, công nghiệp nước nhà, không chỉ vì tương lai Việt Nam mà còn chính là vì tương lai của các doanh nghiệp này, khi mà công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng