Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022: Cần thêm cú hích mạnh

02/02/2022

Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng số và phát triển một số nền tảng số quan trọng.

images3121749_2i.jpg
Qua 4 mùa tổ chức, giải thưởng Vietnam Digital Awards 2021 đã tiếp cận được hơn 10.000 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên 63 tỉnh, thành. Ảnh: BTC
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, chuyển đổi số là động lực phát triển kinh tế; khát vọng phát triển, khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định năm 2022-2023 chuyển đổi số sẽ là trọng tâm trong quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Có thể nói “đôi cánh” để Việt Nam bay lên là công nghệ và khát vọng phát triển, đặt ra một sứ mệnh mới với ngành Thông tin và Truyền thông.
Chuẩn bị sẵn sàng
Việt Nam xác định chuyển đổi số toàn diện dựa trên ba trụ cột chính là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, Chính phủ số để phục vụ người dân tốt hơn. Kinh tế số giúp người dân giàu hơn. Xã hội số khiến người dân hạnh phúc hơn.
Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết chuyển đổi số năm 2021 đã bước đầu đạt được một số kết quả. Đặc biệt, nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân đã được nâng cao.
Dịch COVID-19 làm Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều nhận thức rằng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi kinh tế.
Trong 2 năm qua, dịch COVID-19 là một yếu tố bất ngờ thúc đẩy cải cách hành chính của Việt Nam có bước tiến mới. Gần 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên hệ thống này đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có so với trước đó. Sau khi trục liên thông văn bản quốc gia và cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Đặc biệt, nhiều địa phương trên toàn quốc đã có bước tiến mạnh mẽ trong việc tích hợp các dịch vụ công tại địa phương lên cổng dịch vụ công quốc gia và mạnh dạn thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực thế mạnh của địa phương.
Chuyển đổi số, công nghệ thông tin cũng có những đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch cũng như thích ứng với dịch COVID-19 tại Việt Nam. Trong lĩnh vực y tế, mạng lưới khám chữa bệnh từ xa Telehealth đã phát triển với hơn 1.000 cơ sở y tế được kết nối. Nhờ vậy đã thu hẹp khoảng cách y tế giữa các vùng miền, giữa tuyến trung ương và địa phương, tỷ lệ chuyển tuyến giảm xuống dưới 10% so với mức 30% trước đây, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và giảm tải cho hệ thống y tế.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hỗ trợ ngành Giáo dục thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai thành công chương trình “Sóng và máy tính cho em” để đảm bảo học sinh có đủ trang thiết bị, sóng để học tập từ xa. Các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng mở rộng băng thông Internet, giảm cước và giá thuê dịch vụ máy chủ internet để hoạt động dạy học trực tuyến được đảm bảo. Đồng thời, các doanh nghiệp công nghệ tập trung nghiên cứu, phát triển giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số. Việt Nam có 79,7% học sinh phổ thông được học trực tuyến, cao hơn mức trung bình chung là 5,7,5% của các nước trong tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Năm 2021, mặc dù đại dịch bùng phát mạnh nhưng số lượng doanh nghiệp và doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10%. Năm 2021, xuất hiện nhiều hơn các sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, hướng vào giải các bài toán Việt Nam. Nhiều sản phẩm số “Make in Việt Nam” đã đi ra nước ngoài và thứ hạng về công nghệ số của Việt Nam được cải thiện.
Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến nay Việt Nam gần như đã sẵn sàng cho một sự phát triển số mạnh mẽ. Việt Nam có một thị trường trẻ và đủ lớn để có thể nhanh chóng thương mại hóa các ý tưởng số mới, nhiều doanh nghiệp công nghệ số năng động. Chỉ cần thêm một cú hích là Chính phủ hoàn thiện thể chế số, hợp pháp hóa các tài sản số, sản phẩm và dịch vụ số, mở ra không gian đổi mới cho các doanh nghiệp công nghệ số, cho phép họ thử nghiệm trước khi đưa vào quản lý, Chính phủ tiêu dùng và đầu tư nhiều hơn vào công nghệ số.
Tập trung nhiệm vụ
Khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới, là yêu cầu khách quan của sự phát triển, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra 6 nội dung trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới gồm: xây dựng, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; xây dựng, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển nguồn nhân lực số; đổi mới sáng tạo số; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu.
images3117250_cong_nghe_so2.jpeg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính là hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển hạ tầng số và phát triển một số nền tảng số quan trọng.
Theo đó, về thể chế, chính sách, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung hoàn thiện các văn bản Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Nghị định quy định về xác thực điện tử với người dân, quy định về cơ chế thực hiện có kiểm soát đối với các hoạt động tài chính và xây dựng các cơ chế chính sách thúc đẩy đào tạo, đào tạo lại, đào tạo từ xa theo hình thức 100% trực tuyến. Bộ cũng nghiên cứu và đề xuất dự toán để ngân sách chi cho công nghệ thông tin, chi cho chuyển đổi số đạt ở mức tối thiểu là 1%; xây dựng quy hoạch thông minh, có cơ chế đặc thù để phát triển khoa học công nghệ.
Về hạ tầng số, ngành tiến hành phổ cập điện thoại thông minh và cáp quang băng rộng là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết đây là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động của chuyển đổi số, là điều kiện để hình thành công dân số. Phải để công dân sinh sống và hoạt động trên môi trường số thì mới hình thành được thị trường số. Khi hình thành thị trường số thì kinh tế số mới có điều kiện phát triển.
Đồng thời, phổ cập được danh tính số là yêu cầu bắt buộc trong xã hội số. Người dân cần dễ dàng chứng minh được danh tính thật trên môi trường số, sử dụng trong các dịch vụ số một cách trọn vẹn, không cần hiện diện trực tiếp. Trong môi trường số, phổ cập an toàn an ninh mạng là yếu tố then chốt để bảo vệ người dân. Mỗi người dân cần được trang bị phần mềm, có kỹ năng cơ bản để bảo vệ mình khi sinh sống, hoạt động trên môi trường mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định 34 nền tảng số. Trong đó đặc biệt chú trọng một số nền tảng như nền tảng về hồ sơ sức khỏe điện tử, được xem như một y bạ điện tử của mỗi người dân gắn với người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi và thay thế cho y bạ giấy đang lưu hành. Bên cạnh đó là nền tảng về hóa đơn điện tử, học trực tuyến mở, giao diện thanh toán hợp nhất, nền tảng về thương mại điện tử, dữ liệu số, nông nghiệp, nền tảng tổng hợp phân tích dữ liệu, cơ sở dữ liệu cán bộ công chức viên chức, cơ sở hệ thống báo cáo quốc gia.
Khi chuyển đổi số thành công, người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và là đối tượng chính được hưởng lợi nhiều nhất, rõ ràng nhất, trực tiếp nhất từ sự thay đổi này. Do đó, người dân và doanh nghiệp cần phải tích cực, chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số để cùng với Chính phủ, các cấp, ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Nguồn TTXVN/Vietnam+