Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ứng dụng Công nghệ thông tin cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai

07/10/2016

PGĐ Trung tâm CNTT và TT
Trần Thị Bích Thủy      
Trong thời gian qua, thực hiện các chủ trương, chính sách về ứng dụng CNTT: Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin”; Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020. 

Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu thực hiện cải cách hành chính và xem đây là công cụ cốt lõi để xây dựng Chính  quyền điện tử tại tỉnh nhà đồng thời là công cụ thực hiện cải cách hành chính hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong thời gian qua được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, tỉnh Gia Lai đã triển khai cơ bản thành công hệ thống quản lý văn bản và điều hành đến 4 cấp: Trung ương – tỉnh – huyện – xã và hệ thống liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp là hệ thống một cửa điện tử.
Tuy nhiên, bên cạnh một số hiệu quả đã đạt được từ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước phục vụ công tác cải cách hành chính trong thời gian qua, thì yếu tố tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp cùng đồng thuận trong việc sử dụng các hệ thống một cách thiết thực, hiệu quả cũng là một việc quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện tốt công tác trên chúng ta cần phải:
+ Xây dựng Cổng thông tin điện tử dùng chung cho tất cả các dịch vụ công. Điều này giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm và thực hiện các dịch vụ nhanh chóng. Các cơ quan hành chính cũng thuận lợi trong vấn đề ban hành chính sách hay thông báo qua cổng thông tin này.
+ Thiết lập các ứng dụng đơn giản và thân thiện với người dân. Giao diện càng thân thiện càng dễ sử dụng và dễ phổ biến đối với tất cả mọi người và được chấp nhận nhanh chóng.
+ Tập trung thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: báo in, truyền hình, phát thanh, báo điện tử, trang thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử các ngành, các cấp và tận dụng những phương tiện truyền thông cơ bản và thân thiện với người dân như tivi, radio, truyền thanh không dây...
Các vấn đề về khoảng cách trình độ giáo dục, thông tin, khoảng cách về địa lý là nguyên nhân gây ra cho người dân và doanh nghiệp rất mù mờ về Chính quyền điện tử. Nếu không hiểu rõ thì chắc chắn họ sẽ không thấy được những lợi ích mật thiết liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính.
Như vậy, việc xây dựng một Chính quyền điện tử sẽ không đem lại thành công nếu việc triền khai chỉ một chiều từ trên xuống, mà cần phải có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vì đây là đối tượng chính của việc xây dựng Chính quyền điện tử./.
BT