Cần coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước phục vụ công tác cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

14/03/2018

                                                                                            
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước được hiểu là việc sử dụng CNTT vào các hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và giữa các cơ quan nhà nước, trong giao dịch của cơ quan nhà nước với tổ chức và cá nhân, hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính và bảo đảm công khai, minh bạch.

Trung tâm CNTT&TT tư vấn hỗ trợ giúp UBND huyện Chư Prông
triển khai các phần mềm ứng dụng dùng chung của tỉnh
 
Trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được tỉnh quan tâm, chỉ đạo, đầu tư kết cấu hạ tầng CNTTtại các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong tỉnh đã bước đầu thực hiện có hiệu quả và thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác, phát huy được tối đa tính năng, lợi ích, hiệu quả của việc sử dụng thiết bị CNTT.
Tuy nhiên, trên thực tế tại Gia Lai, việc ứng dụng công nghệ thông tin(CNTT) luôn có bước tiến chậm hơn so với mặt bằng chung cả nước. Ngoài nguyên nhân chủ yếu Gia Lai là một tỉnh miền núi có xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế - xã hội hội khó khăn, thì một nguyên nhân không nhỏ ảnh hưởng đến việc ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh là từ nhân tố con người. Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước còn thiếu và yếu. Các cấp, các ngành chưa thực sự đánh giá đúng tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, một số cơ quan đơn vị còn mang tính hình thức, chưa thực sự coi CNTT là phương tiện chủ lực để đi tắt đón đầu, rút ngắn khoảng cách phát triển so với khu vực và cả nước, chưa xem đầu tư cho CNTT là đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc tổ chức thực hiện và đưa ứng dụng CNTT vào trong hoạt động quản lý chưa thực sự được quan tâm đúng mức, còn cầm chừng, thiếu quyết liệt. Kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án ứng dụng CNTT tuy đã có sự quan tâm, nhưng so với yêu cầu phát triển CNTT thì chưa tương xứng, chưa có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ. Các cơ quan,  đơn vị chủ yếu chú trọng đầu tư nhiều đến phần cứng (thiết bị), phần mềm ứng dụng ít được chú trọng triển khai, hệ thống CNTT thường triển khai thiếu đồng bộ không có hệ thống sao lưu dự phòng cũng như hệ thống an toàn bảo mật dữ liệu. Mặt khác, nguồn kinh phí bố trí cho các chương trình, dự án hàng năm còn ít và chậm, nên việc triển khai mua sắm trang thiết bị thiếu đồng bộ, phân bổ chưa đồng đều, thủ tục giải ngân phức tạp ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả trong quá trình triển khai. Nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh còn thấp so với nhu cầu thực tiễn đòi hỏi.
Để khắc phục những tồn tại trên và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước gắn với công cuộc cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, nhằm nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà;Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN giai đoạn 2016-2020. Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai đã đặc biệt quan tâm và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để hoàn thành tốt mục tiêu thực hiện cải cách hành chính và xem đây là công cụ cốt lõi để xây dựng Chính  quyền điện tử tại tỉnh nhà đồng thời là công cụ thực hiện cải cách hành chính hiệu quả nhất. Vậy, để đạt được mục tiêu như trên, trước hết cần có những quy định rõ ràng như:
          Một là,phải đảm bảo các nguyên tắc thiết yếu trong triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, các vấn đề cần được xác định khi triển khai một dự án ứng dụng CNTT như: Nâng cao hiệu quả công việc, thúc đẩy cải cách hành chính; đồng bộ giữa đầu tư phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, nhân lực; đồng bộ trong ứng dụng của các cơ quan, đơn vị; tiết kiệm, tránh đầu tư trùng lắp; an toàn, bảo mật…
         Hai là,tiếp tục và thường xuyên quan tâm và có biện pháp chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, coi việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan quản lý nhà nước là nhiệm vụ bắt buộc đối với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước của tỉnh.
         Ba là, Lãnh đạo các cơ quan nhà nước phải nghiêm túc nhìn nhận việc ứng dụng CNTT là để tăng cường hiệu lực quản lý trong nội bộ, hình thành phong cách làm việc trong môi trường điện tử đối với cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời tạo điều kiện cung cấp dịch vụ hành chính công ngày càng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà một cách đồng bộ./.
                                                                                                         
                                                                                                          BT