Ngoài hương vị truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, lễ hội văn hóa, ẩm thực lần này còn phản ánh khá rõ nét đặc trưng của “vùng đất góp” với sự hiện diện của những món ăn miền Tây Bắc, Bình Định… và một số món ăn vặt đường phố. Tất cả tạo nên điểm nhấn thú vị, níu chân nhiều du khách khó tính.
Bên cạnh thưởng thức ẩm thực, du khách còn bị thu hút bởi 10 gian hàng lưu niệm trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm dệt thổ cẩm, nhạc cụ, dụng cụ dân tộc, hàng thủ công mỹ nghệ.
Từ Plei Chrung (xã Ia Piar, huyện Phú Thiện), chị Nay Hà Phương mang theo nhiều mặt hàng truyền thống của dân tộc Jrai đến tham gia tại lễ hội. Gian hàng của chị bày biện đa dạng từ sản phẩm thổ cẩm (quần áo, mền, khố…), một số mô hình lưu niệm (gùi, chuông gió, nhà sàn, đàn t’rưng, bầu hồ lô, nỏ…) đến các loại dược liệu quý.
“Tôi hy vọng qua đây có thể giới thiệu đến bạn bè gần xa nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, từ đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống ấy”-chị Phương bày tỏ.
Anh Lê Văn Độ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) say sưa tìm hiểu về chiếc nỏ của người Jrai. Ảnh: Hồng Thi
Bị thu hút bởi chiếc nỏ-biểu tượng sức mạnh của người Jrai tại gian hàng của chị Phương, anh Lê Văn Độ (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) không ngừng hỏi về quy trình chế tạo và cách sử dụng nỏ. Là người vốn dành nhiều tâm huyết cho văn hóa đồng bào Tây Nguyên, 4 năm trước, anh Độ quyết định rời Sài thành nhộn nhịp, bắt đầu chuyến hành trình đến với các buôn làng Gia Lai để thỏa chí đam mê, đồng thời kết hợp nghiên cứu thị trường nhằm phát triển thương hiệu cà phê riêng của mình.
“Khi biết thông tin tỉnh Gia Lai đăng cai tổ chức Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62-2021, tôi liền tận dụng cơ hội với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa, con người nơi đây. Do đó, tôi đã có mặt ở Pleiku từ ngày 22-3 để không bỏ lỡ một sự kiện hấp dẫn nào trong khuôn khổ giải, nhất là lễ hội văn hóa, ẩm thực, nông-lâm sản này”-anh Độ bày tỏ.
Báo Gia Lai